Tranh chấp phần đất làm cống thoát nước chung là tranh chấp phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn, đất chật người đông như Hà Nội và TP HCM. Vậy để giải quyết tranh chấp về đường thoát nước chung thì cần làm như thế nào? Và được luật pháp quy định về phần đất sử dụng chung này như thế nào? Hãy cùng Luật Trần Vũ VinaLaw theo dõi để tìm lời giải nhé!
Pháp luật quy định như thế nào về phần đất sử dụng chung làm cống thoát nước?
Điều 252 Bộ luật dân sự 2015 quy định Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề như sau:
Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.

Về vấn đề thiệt hại:
Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước.
Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.
Đối với Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải được quy định tại Điều 251 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng.
Nếu việc thoát nước qua bất động sản liền kề mà không phải lối thoát nước hợp lý hoặc gây ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc ảnh hưởng đến môi trường công cộng thì người sử dụng đất có quyền yêu cầu chủ sở hữu lấp lối thoát nước, việc tự ý lấy phần đất đó làm rãnh thoát nước là hành vi lấn chiếm đất trái phép. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Cơ quan giải quyết về tranh chấp lối thoát nước
Luật đất đai 2013 đã chỉ rõ: Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề dược thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo điều 95 Luật này. Do đó, việc giải quyết tranh chấp có thể được tiến hành qua các phương thức sau:
- Các bên tiến hành thỏa thuận về việc một bên cho bên kia được tạo một lối cấp, thoát nước qua bất động sản của mình;
- Trong trường hợp không thỏa thuận được, các bên có thể nhờ người có thẩm quyền hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở;
- Trường hợp không thể hòa giải, có quyền khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, yêu cầu tòa án giải quyết.
Như vậy việc giải quyết về lối thoát nước này thì ưu tiên theo thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì sẽ tiến hành hòa giải tại cơ sở – UBND cấp xã, nếu sau đó không hòa giải được thì bạn có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc yêu cầu UBND có thẩm quyền giải quyết (Theo Luật đất đai 2013).
Trong trường hợp Tòa án có thẩm quyền cho phép chủ bất động sản bị vây bọc mở một lối thoát nước, thì chủ sử dụng bất động sản đó phải tiến hành đăng ký biến động đất đai với lý do xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề.

Trình tự giải quyết tranh chấp liên quan đến đường ống thoát nước thải sinh hoạt qua nhà liền kề
Đối với các tranh chấp xuất phát từ cuộc sống thường ngày như trường hợp này thì hòa giải là phương pháp được ưu tiên và khuyến khích.
Người giải quyết hòa giải có thể là trưởng thôn, lãnh đạo xã, các ban ngành địa phương. Trình tự thủ tục hòa giải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật:
- Không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hòa giải;
- Khách quan, công minh, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp;
- Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
- Kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hoà giải.
- Khi hòa giải không có kết quả, các bên có thể khởi kiện vụ án yêu cầu tòa án giải quyết
- Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp như trường hợp trên là tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người bị kiện theo quy định tại (Điều 36 Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015).
Tham khảo: Tranh Chấp Đất Đai Là Gì? Các Loại Tranh Chấp Đất Đai Hiện Nay
Thủ tục khởi kiện tranh chấp lối cấp thoát nước
Chuẩn bị hồ sơ
Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
Đơn khởi kiện theo mẫu
Chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện (hồ sơ tài liệu có liên quan đến yêu cầu khởi kiện)
Giấy tờ nhân thân (Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu,…)
Để được Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Thủ tục khởi kiện tranh chấp lối cấp thoát nước cần thực hiện như sau:
- Nộp đơn
- Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án thông qua các hình thức:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
- Tòa án giải quyết
Tòa án nhận đơn khởi kiện sau đó sẽ tiến hành xem xét đơn khởi kiện để đưa ra quyết định thụ lý vụ án tranh chấp đất. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ tiến hành các công việc, thủ tục để chuẩn bị xét xử vụ án.
Sau xét xử sơ thẩm, nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm thì có quyền nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm để yêu cầu TAND cấp Tỉnh giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Trên đây là những chia sẻ của Trần Vũ VinaLaw về vấn đề giải quyết tranh chấp đất làm cống thoát nước chung giữa các gia đình liền kề. Nếu bạn còn có vướng mắc hoặc cần tư vấn pháp lý hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua Hotline: 037.618.9559 để được giải đáp sớm nhất nhé!
Xem thêm: